Author Archives: Quản trị

Kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Yên Bái vào kênh phân phối của Tập đoàn Central Retail Việt Nam

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Yên Bái đã phối hợp với tập đoàn Central Retail hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay đã có 8 mặt hàng như: Miến đao Giới Phiên, măng nứa rừng khô, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, một số sản phẩm cá hồ Thác Bà đã qua chế biến như giò cá, chả cá, xúc xích cá và ruốc cá được bày bán tại hệ thống siêu thị Big C.

(Buổi làm việc của Sở Công Thương Yên Bái với Big C Thăng Long Hà Nội)

Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức đoàn cán bộ cùng 9 các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản; sản phẩm OCOP trong tỉnh đi xúc tiến thương mại tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long Hà Nội để kết nối kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống Tập đoàn Central Retail Việt Nam.

Trong buổi làm việc, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã giới thiệu các sản phẩm như: Ô mai táo mèo; mứt táo mèo; rượu táo mèo; trà quế, bột quế, tinh dầu quế, măng tre Bát Độ, măng ăn liền, măng khô Thác Bà, lạc ri đỏ Lục Yên, lạc hoa, dầu lạc, khoai sọ Trạm Tấu, cá sấy, thịt sấy, gạo nếp Lào Mu, Miến dong Quy Mông. Bên cạnh đó các cán bộ phụ trách thu mua sản phẩm còn tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị về thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm để thu hút khách hàng.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Big C đã đồng ý và yêu cầu các đơn vị cung cấp, hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm: măng tre Bát Độ, măng ăn liền, măng khô Thác Bà, măng thái sợi, ô mai táo mèo, mứt táo mèo, rượu táo mèo, trà quế, lạc Ri đỏ Lục Yên, lạc hoa. Sau khi hoàn tất thủ tục Big C sẽ nhập hàng bày bán tại hệ thống siêu thị Big C.

Dự kiến, tháng 11/2023 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại – Sở Công Thương Yên Bái tiếp tục tổ chức Tuần hàng giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long Hà Nội. Nhằm  đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh trực tiếp đến với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức các mặt hàng nông sản đặc sản vùng miền.

Nguồn: Hồng Hà (Trung tâm Khuyến công & XTTM)

AgroViet 2023 hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 – AgroViet 2023 đã diễn ra tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại.

Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế – AgroViet là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành NN-PTNT Việt Nam, được tổ chức thường niên vào dịp tháng 9. Năm 2023, hội chợ được tổ chức với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững”, được tổ chức từ ngày 14 đến 17-9, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP”, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước, đây đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.

AgroViet 2023 có quy mô hơn 200 gian hàng và hơn 1.000m2 sàn trưng bày sản phẩm của trên 100 đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, khu Quốc tế có 20 gian hàng tiêu chuẩn của doanh nghiệp các nước Úc, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khu vực ASEAN, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, công ty liên doanh,… trưng bày các loại máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ phụ trợ, dịch vụ logistic, thương mại điện tử, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Khu gian hàng trong nước đến từ 45 địa phương, trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến có giá trị cao và là đặc sản tiêu biểu của các địa phương.

Với mục tiêu tăng cường, đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, HTX, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia với 01 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh.

(Đồng chí Hoàng Văn Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái tại gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh)

Ngoài các gian hàng trưng bày sản phẩm, Ban tổ chức Hội chợ đã có nhiều hoạt động Hội nghị, hội thảo chuyên đề và giao thương ý nghĩa như: Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn” vào chiều 14/9/2023; Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài và Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023” vào sáng 15/9/2023; Hội thảo kết nối cung – cầu các sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre tại thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hội chợ như một thị trường thu nhỏ, thông qua tiếp xúc trực tiếp tại Hội chợ sẽ giúp các đơn vị nắm bắt thị hiếu của thị trường để khuyến khích sáng tạo đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm giúp đơn vị có cơ hội tiếp cận những thị trường lớn hơn. Và Hội chợ không chỉ là nơi quảng bá sản phẩm mà còn là không gian để giao lưu văn hóa, ẩm thực và quảng bá du lịch qua từng câu chuyện sản phẩm”.

Ban tổ chức tin tưởng chương trình của Hội chợ sẽ làm thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp và bà con nhân dân tham gia và tham quan, giao dịch tại Hội chợ. 

Xây dựng Kiến trúc Dữ liệu Nền tảng Ngành Nông nghiệp

Ngày 13/9, tại Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã diễn ra Hội thảo Xây dựng Kiến trúc Dữ liệu Nền tảng Ngành Nông nghiệp. Đây là một sự kiện quan trọng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, nhằm đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam. Hội thảo mang đến những định hướng, chiến lược, và cơ cấu dữ liệu cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong thời kỳ hiện đại hóa và số hóa mạnh mẽ.

Trong bối cảnh một thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin và dữ liệu, việc xây dựng một kiến trúc dữ liệu nền tảng cho ngành nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng. Một kiến trúc dữ liệu tối ưu giúp nâng cao hiệu suất, quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm, và tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân và các doanh nghiệp liên quan.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, và các lãnh đạo các đơn vị ngành nông nghiệp. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đề xuất các giải pháp tiên tiến để thu thập, quản lý, và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, từ việc theo dõi thời tiết, quản lý sản xuất nông nghiệp, đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Chuyển đổi số và Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, theo kết quả điều tra, dữ liệu hiện giờ còn phân tán, không có khả năng liên thông và hệ thống quản lý được xây dựng trên nhiều nền tảng khác nhau, thời gian khác nhau. Kiến trúc dữ liệu này sẽ đưa những dữ liệu dùng chung lên, khi được hệ thống hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Trong tương lai sẽ có nhiều dữ liệu dùng chung về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và dữ liệu quốc tế dùng chung thông qua việc ký kết thỏa thuận với các tổ chức quốc tế. Cơ chế chia sẻ dữ liệu và chất lượng dữ liệu là những vấn đề cần quan tâm trong việc xây dựng Kiến trúc Dữ liệu Nền tảng Ngành Nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ quan điểm cần xác định dữ liệu nào cần cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần cho các địa phương; cần xác định mục đích chính của Kiến trúc Dữ liệu Nền tảng Ngành Nông nghiệp là phục vụ công tác quản lý nhà nước. Cần xem xét phạm vi chia sẻ dữ liệu và cách thức tổ chức dữ liệu. Cấu trúc dữ liệu dùng chung phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Tính pháp lý của dữ liệu cần được đảm bảo để có thể sử dụng trong công việc.    

Hội thảo Xây dựng Kiến trúc Dữ liệu Nền tảng Ngành Nông nghiệp năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam thông qua sự tận dụng thông tin và dữ liệu một cách thông minh và hiệu quả.

Nguồn: HNN (mard.gov.vn)

Tổ chức đoàn công tác tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Điện Biên

Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái tổ chức đoàn cán bộ nhà nước và các doanh nghiệp, HTX đi tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm về quản lý và sản xuất sản phẩm nông lâm thuỷ sản tại tỉnh Điện Biên.

Đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan quản lý, đơn vị thu mua, chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản tại tỉnh Điện Biên. Chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp quản lý, tổ chức thực hiện, sáng kiến đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp

Kết quả, chuyến làm việc của Đoàn công tác tại tỉnh Điện Biên đã thành công tốt đẹp. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái và Chi cục Quản lý chất lượng và Phát triển thị trường nông sản tỉnh Điện Biên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông từ ngày 29/8/2023 – 4/9/2023

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông 2023 là hoạt động xúc tiến thương mại thường niên thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh, được tổ chức trong thời gian 07 ngày từ ngày 29/8/2023 – 04/9/2023 tại Trung tâm truyền thông và văn hóa thành phố Móng Cái.

Hội chợ là một trong nhiều sự kiện chào mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9 gắn với chuỗi kỷ niệm chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2023).

Với quy mô trên 200 gian hàng, Hội chợ là cơ hội để các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền, địa phương.

Với tinh thần mở rộng giao lưu hội nhập kinh tế lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia với 02 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đây là điểm hẹn lý tưởng để các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP kết nối sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của du khách và nhân dân khi đến Quảng Ninh. Hội chợ sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 4/9/2023.

Quyết định 1547/QĐ-UBND Phân bổ kinh phí hỗ trợ DNNVV

Ngày 30/8/2023, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1547/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sử dụng nguồn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023. Theo đó nội dung hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị (Chuỗi giá trị nông nghiệp, chế biến nông sản) do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì với tổng kinh phí hỗ trợ là 784 triệu đồng.

Tổ chức đoàn công tác tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lai Châu

Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái tổ chức đoàn cán bộ nhà nước và các doanh nghiệp, HTX đi tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm về quản lý và sản xuất sản phẩm nông lâm thuỷ sản tại tỉnh Lai Châu.

Kết quả, chuyến làm việc của Đoàn công tác tại tỉnh Lai Châu đã thành công tốt đẹp. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lai Châu đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Mạng lưới Tư vấn viên hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT

Căn cứ Quyết định số 58/QĐ-BNN-QLDN ngày 10/1/2022 về việc “Ban hành lĩnh vực, tiêu chí công nhận cá nhân, tổ chức tư vấn thuộc Mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh sách các tổ chức và cá nhân tham gia mạng lưới tư vấn viên, cụ thể như sau:

Danh sách đợt 1 ngày 05/7/2022:

Danh sách đợt 2 ngày 14/11/2022:

Danh sách đợt 3 ngày 15/8/2023:

Hội chợ Triển lãm AgroViet 2023 sẽ khai mạc vào tháng 9/2023

Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 – AgroViet 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức dự kiến diễn ra từ ngày 14 – 17/9/2023 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và Thương mại, Hà Nội.

AgroViet 2023 là hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thường niên với quy mô toàn quốc hướng tới các mục tiêu: Tiếp cận và phát triển sản xuất nông nghiệp 4.0 tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo cơ hội để các tỉnh, thành phố trong nước quảng bá, giới thiệu tiềm năng và khai thác thị trường nội địa. Đặc biệt, Hội chợ năm nay còn nhằm tiếp tục đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị nông sản Việt, mở rộng quan hệ hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội hiểu và cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp với yêu cầu của Việt Nam.

I. Thông tin chung về AgroViet 2023

– Tên tiếng Việt: Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 – AgroViet 2023.

– Tên tiếng Anh: The 23rd International Agriculture Trade Fair – AgroViet 2023.

– Chủ đề: Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững.

– Thời gian: 14 – 17 tháng 9 năm 2023.

– Quy mô: Khoảng 150 đến 200 gian hàng.

– Địa điểm: Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

– Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp.

– Đơn vị phối hợp: Cục Chất lượng, Chế biến và PTTT.

– Cơ quan bảo trợ về thông tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

2. Hoạt động chính tại AgroViet 2023

2.1. Hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm

– Gian hàng Triển lãm chung

Quảng bá về thành tựu ngành Nông nghiệp Việt Nam, kết quả các chương trình mục tiêu Quốc Gia của Bộ thông qua hình ảnh, số liệu, clip quảng bá về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; các sản phẩm OCOP cấp Quốc Gia….

Giới thiệu các mô hình kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp là kết quả nghiên cứu khoa học của ngành nông nghiệp.

Trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao; nhóm sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu (gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây, thực phẩm chế biến,…); sản phẩm OCOP 4*- 5* cấp quốc gia… minh họa cho các hình ảnh và số liệu.

– Gian hàng trong nước gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp

+ Quy mô dự kiến: tương đương từ 120 đến 160 gian hàng tiêu chuẩn.

+ Phương thức triển khai: Khu gian hàng trong nước được phân chia thành 03 phân khu theo nhóm sản phẩm gắn với chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Khu gian hàng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao (30 gian); Khu gian hàng giống, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững (30 gian); Khu gian hàng địa phương và hiệp hội (100 gian hàng). Mỗi phân khu sẽ bố trí khu gian hàng cho các đơn vị trực tiếp giới thiệu các sản phẩm và tìm kiếm khách hàng; xây dựng không gian để các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký giới thiệu, trình diễn các sản phẩm mới, các công nghệ mới phục vụ sản xuất.

– Khu gian hàng Quốc tế

+ Quy mô dự kiến: 30 – 40 gian hàng tiêu chuẩn.

+ Đối tượng tham gia: các quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực ASEAN, Nga, Belarus…), doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, công ty liên doanh.

+ Sản phẩm mục tiêu: các máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; dịch vụ phụ trợ, dịch vụ logistic, thương mại điện tử; sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của các quốc gia.

– Khu trưng bày của các startup trong lĩnh vực nông nghiệp

+ Nội dung: Hỗ trợ cho các đơn vị startup tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm của đơn vị mình và tham gia hoạt động chuyên đề của Hội chợ.

+ Phương thức triển khai: Khu trưng bày được trang trí tổng thể với hình ảnh và số liệu về khởi nghiệp trong nông nghiệp; bố trí các quầy riêng cho từng chủ thể khởi nghiệp để cung cấp thông tin; giới thiệu mô hình, giao lưu chia sẻ ý tưởng và tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển bền vững.

– Khu quảng bá giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền

+ Nội dung: giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền.

+ Phương thức triển khai: Trưng bày các hình ảnh, thông tin về các địa điểm du lịch nông thôn, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền trên cả nước; Quảng bá sản phẩm OCOP của 63 tỉnh thành, gắn sản phẩm theo tỉnh trên bản đồ Việt nam và trên mỗi sản phẩm đó có mã QR code, khách check mã QR ngoài thông tin sản phẩm có cả thông tin về văn hóa và du lịch đặc trưng của tỉnh đó.

– Khu trình diễn ẩm thực, không gian thử nếm, thưởng thức đồ uống Trà, Cà phê

+ Nội dung: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm OCOP, giới thiệu, trình diễn quy trình chế biến, pha chế trà, cà phê. Khách hàng tham quan được thưởng thức, thử nếm miễn phí đồ uống.

+ Phương thức triển khai: Trưng bày các hình ảnh, thông tin, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp chủ động bố trí nghệ nhân trình diễn quy trình chế biến, pha chế đồ uống mời và giới thiệu với khách hàng tham quan, giao dịch.

2.2. Các hoạt động bên lề AgroViet 2023

– Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”; Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

– Tổ chức đưa các đoàn nông dân, cán bộ nông nghiệp các địa phương đến tham quan, học tập, giao lưu tại Agroviet 2023

– Tổ chức lễ khai mạc, tổng kết, tặng kỷ niệm chương và giấy khen cho các đơn vị tiêu biểu tham gia Hội chợ.

3. Hoạt động tuyên truyền, quảng cáo

– Tổ chức họp báo tuyên truyền, giới thiệu về Hội chợ vào ngày 30/8/2023.

– Xây dựng bản tin hàng tháng giới thiệu các thông tin chính hoạt động của Hội chợ Triển lãm; phối hợp với các đơn vị đưa thông tin lên cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và PTNT, một số Bộ ngành, Hiệp hội, một số website chuyên về lĩnh vực Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

– Treo pano về Hội chợ tại trụ sở làm việc của Bộ (số 02 Ngọc Hà, số 10 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội).

– Treo giới thiệu Hội chợ trong khuôn viên Hội chợ, trên các đường phố chính, khu vực đông dân cư trong thành phố.

– In các ấn phẩm phục vụ Hội chợ: bộ hồ sơ mời Hội chợ, catalogue, túi đựng catalogue, thẻ gian hàng, thẻ BTC, tờ rơi, Giấy mời tham quan Hội chợ phát hành rộng rãi….

– Phối hợp với TikTok Việt Nam triển khai các hoạt động quảng bá sự kiện trên môi trường mạng, tổ chức các sự kiện quảng bá, kết nối tiêu thụ, tập huấn, tư vấn cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Hội chợ; Xây dựng và vận hành 01 kênh TikTok quảng bá theo chuyên đề về Hội chợ và sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ.

– Thông tin, tuyên truyền về Hội chợ và các sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ trên các báo: Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, Báo Công thương….; Đài Truyền hình: TH Thông tấn xã, TH Hà Nội và Truyền hình VTC; Đưa tin và chạy chân chữ trên truyền hình VTV1,… kết hợp quảng cáo trên Google, nhắn tin Brand Name.

Nguồn: Agroviet.com.vn

THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN 6 THÁNG CUỐI NĂM: Tiếp tục là điểm sáng của rau quả, gạo và cà phê

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ngay từ đầu năm 2023, BCĐ đã nhận diện được những khó khăn thách thức để kịp thời có những chỉ đạo khắc phục đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai 3 nhóm giải pháp là: Đàm phán, mở cửa thị trường; Cập nhật, phổ biến quy định, nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng và Kết nối giao thương, phát triển thị trường xuất khẩu. Kết quả xuất khẩu 6 tháng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh suy giảm xuất khẩu nhóm hàng lâm sản, thủy sản ở mức tương ứng 28,2% và 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng tương ứng là 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3%, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả tăng đột biến.

Trong số các thị trường trọng điểm và tiềm năng, Trung Quốc đứng số 1 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ.

Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Theo WB, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo yếu đi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 1,1% vào năm 2023.

Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo WB, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản dự báo chậm lại do thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 0,8% vào năm 2023.

Về xu hướng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 6 tháng cuối năm, dự báo mặt hàng rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu gạo có khả năng đạt tương đương mức năm ngoái là 6,5 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục khó khăn do lạm phát và nhu cầu thấ

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 21% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng 13 ngày đầu tháng 7 xuất khẩu được khoảng 290 ngàn tấn, đưa khối lượng gạo xuất khẩu tính đến giữa tháng 7 đạt 4,5 triệu tấn. Xuất khẩu gạo đạt được mục tiêu là tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân, đảm bảo an ninh lương thực.

Ông Nam đánh giá nhu cầu thị trường gạo thế giới trong thời gian tới tương đối tích cực, Ấn Độ dự báo vẫn tiếp tục chi phối thị trường gạo thế giới và giữ vị trí đứng đầu, tuy nhiên tình hình từ nay đến cuối năm ảnh hưởng của El Nino nên Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo và Indonesia tăng nhập khẩu gạo như thời gian qua. Đây là các yếu tố tích cực hỗ trợ xuất khẩu gạo Việt Nam về đích 6,5 triệu tấn như đã đặt ra.

Dù chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhưng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu thì gạo Việt Nam vào các thị trường này chưa nhiều, chiếm tỉ trọng thấp. Nguyên nhân là do chất lượng thiếu ổn định, giống gạo thay đổi liên tục, cùng với một số quy định về tồn dư thuốc BVTV trong gạo. Chính vì vậy, Chủ tịch VFA đề nghị Bộ có giải pháp quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thuốc BVTV nhằm hạn chế sử dụng chất cấm. Đẩy mạnh định hướng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ cần triển khai nhanh liên kết vùng, đặc biệt là chương trình 1tr ha lúa chất lượng cao để tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Hỗ trợ tín dụng để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn.

Tiếp lời Chủ tịch VFA, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề nghị Hiệp hội chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo tăng cường liên kết vùng nguyên liệu hơn nữa để đảm bảo cơ cấu chủng loại và chất lượng theo đúng chủ trương của Bộ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định thị trường nông lâm thủy sản 6 tháng cuối năm tiếp tục khó khăn. Bộ NN&PTNT vẫn định hướng tập trung vào ba thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, ngoài ra các thị trường khác tiếp tục tìm giải pháp để mở rộng thêm. Mặc dù thị trường Nhật Bản từ đầu năm đến nay có giảm, tuy nhiên với những chính sách khuyến khích tiêu dùng của người Nhật thì thị trường Nhật Bản vẫn đang có triển vọng tốt. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm, chúng ta phải tìm tín hiệu tích cực để phát triển thị trường. Đề nghị các Hiệp hội ngành hàng giữ kết nối chặt chẽ với Bộ, cần có tư duy ‘đi cùng nhau’ để cùng phát triển. Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, ngành nông nghiệp vẫn đón tin vui từ xuất khẩu gạo, cà phê và rau quả 6 tháng đầu năm. Ngành hàng gỗ, thủy sản còn nhiều trở ngại và ngành chăn nuôi chưa bứt phá, ngành nào đang có lợi thế tiếp tục củng cố và phát triển vì một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Nguồn: NLA (Mard.gov.vn)