Tag Archives: An toàn thực phẩm

Định hướng chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường

Chiều 11/4, Bộ NN-PTNT tổ chức Phiên họp lần thứ 1 của Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường.

Phiên họp có sự tham dự của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và đại diện các Hiệp hội, ngành hàng.

Chỉ đạo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp đến từ 3 chữ “biến” là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới

“Chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, tối ưu hóa thị trường là vấn đề lớn trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe hơn. Trong khi đó, vấn đề này có liên quan đến chất lượng ATTP. Thị trường không chỉ là nơi trao đổi giữa người bán và người mua mà còn là văn hóa tiêu dùng, tâm lý của người tiêu dùng ở những bối cảnh khác nhau, được phân ra nhiều nhánh và ngách… Như vậy, nếu không hiểu được những ‘ngách’ này thì khó có thể chiếm được những thị trường cá biệt, cá tính”, Bộ trưởng đưa ý kiến.

“Đã đến lúc chuẩn bị phân loại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường ngách, thị trường cơ hội….”

Tại buổi họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin về thực trạng và chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường.

Ông Tiệp cho biết, có sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực ATTP nông lâm thủy sản so với những năm trước, đặc biệt là từ năm 2016, khi Quốc hội thực hiện các biện pháp chiến lược và tăng cường giám sát chuyên sâu về ATTP.

Như ở biểu đồ trên, các chỉ số thống kê cho thấy mức độ đảm bảo ATTP đã được nâng cao đáng kể. Ví dụ, vào quý I/2024, tỷ lệ các cơ sở đủ điều kiện về ATTP nông lâm thủy sản đạt 99,4%, tỷ lệ cơ sở ký cam kết đạt 92%, và tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đạt 99,6%.

Hơn 2.500 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được duy trì. Bên cạnh đó, công tác mở cửa thị trường tiếp tục được chú trọng và đến nay sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc mở rộng thị trường do nguồn cung và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, vẫn còn cảnh báo và hàng bị trả về; sản phẩm chưa đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường; quy cách bao gói chưa phù hợp; giá thành sản phẩm còn cao; tỷ trọng sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu được nhận diện trên thị trường còn thấp; chi phí logistics còn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành.

Để giải quyết những vấn đề trên, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề xuất một loạt các biện pháp cụ thể. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế và chính sách pháp luật như Đề án về logistics hay Nghị định về thương hiệu nông sản; khẩn trương có giải pháp khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được chứng nhận, bảo hộ.

Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch và tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tổ chức phối hợp, cung cấp thông tin, tập huấn cho nông dân, cơ sở sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường và duy trì các bản tin thị trường; tọa đàm, diễn đàn, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản.

Ông Tiệp cũng đề xuất xây dựng và áp dụng các mô hình điểm để đánh giá, chuyển giao gồm mô hình Ban/Tổ giám sát ATTP ở cấp xã và mô hình chuỗi giá trị ngành hàng gắn vùng nguyên liệu, hợp tác xã với hệ thống logistics.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường suy nghĩ đến cơ chế điều phối hoạt động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ATTP của Bộ, các Hiệp hội và các đơn vị như Bộ Y tế, Bộ Công thương… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn các Hiệp hội và ngành hàng xây dựng kế hoạch vận động thành viên tham gia vùng nguyên liệu. Tránh tình trạng “tranh mua, tranh bán” tại vùng nguyên liệu, cần phải lập kế hoạch kêu gọi mỗi doanh nghiệp thành viên đăng ký vùng nguyên liệu để tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi của thành viên trong hiệp hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiệp hội, ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Dù là vấn đề ATTP hay phát triển thị trường đều cần đến sự chung tay của hiệp hội, ngành hàng.

“Chúng tôi không coi hiệp hội ngành hàng hoặc các doanh nghiệp như là đối tượng mà Bộ NN-PTNT phải quản lý. Thay vào đó, chúng tôi nhìn nhận họ như là đối tác, cùng tham gia vào quá trình kiến tạo và phát triển ngành hàng cho đất nước. Giá trị và sứ mạng tuyệt vời của hiệp hội được thể hiện qua vai trò này”, Bộ trưởng chia sẻ.