Tag Archives: OCOP

Yên Bái phấn đấu truy xuất nguồn gốc 10 nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực vào năm 2025

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh Yên Bái và đã được kết nối với Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Việc đưa vào vận hành Hệ thông thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Sản phẩm khoai sọ của huyện Trạm Tấu được quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khoai sọ nương Trạm Tấu”

Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận 24 phiếu đăng ký của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Yên Bái. Hầu hết các sản phẩm tham gia vào cổng truy xuất nguồn gốc đều đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng các mô hình nông lâm nghiệp, trong đó có nhiều đề tài, dự án xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm an toàn. 

Theo đó đã xác lập quyền nhãn hiệu tập thể “Gạo nếp Lếch – Bảo Ái” cho sản phẩm gạo nếp Lếch của huyện Yên Bình; xác lập quyền nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm “Rượu thóc La Pán Tẩn”, “Hoa hồng Mù Cang Chải” và “Chè Shan tuyết Púng Luông” của huyện Mù Cang Chải; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Măng tre Bát Độ Yên Bái” theo chuỗi giá trị sản phẩm; xác lập quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp lẩu cáy Trạm Tấu” cho sản phẩm gạo nếp lẩu cáy của huyện Trạm Tấu; xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp của thị xã Nghĩa Lộ; quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khoai sọ nương Trạm Tấu” cho sản phẩm khoai sọ của huyện Trạm Tấu. 

Trong nội dung xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đều xây dựng thí điểm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR Code. Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 truy xuất nguồn gốc được ít nhất 10 nhóm sản phẩm nông – lâm, thủy sản, thực phẩm chủ lực; xây dựng cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc và kết nối tham gia áp dụng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia tối thiểu 10 nhóm sản phẩm, hàng hóa.Thông qua việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nâng cao được thương hiệu nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc (tem QR code) được xem như là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi mỗi sản phẩm mà cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp ra thị trường chỉ được cấp duy nhất một mã QR code. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới mục tiêu đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào thị trường quốc tế.

(Nguồn: Thanh Chi, Báo Yên Bái)

Tuần lễ Giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản tỉnh Yên Bái tại Hà Nội từ ngày 29/11 – 03/12/2023

Từ ngày 29/11- 03/12/2023, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Tuần lễ Giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội với quy mô 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, thủy sản đặc sản của tỉnh Yên Bái.

Nguồn: CTTĐTT

Kết nối cung – cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tại tỉnh Thanh Hóa năm 2023

Sáng 9/11, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2023

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, HTX, trang trại trong và ngoài tỉnh.

Công tác kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục là cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn hội nghị sẽ đánh giá đầy đủ về công tác phát triển thị trường, sản xuất, chế biến và kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn trong thời gian qua. Đồng thời, có các kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp để tăng cường gắn kết công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; gia tăng chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm thủy sản trong tình hình mới. Mục tiêu là sản xuất sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của thị trường; thực hiện tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tham luận tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã chia sẻ kinh nghiệm trong đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mở rộng thị trường các sản phẩm hàng hóa an toàn, đạt chất lượng và tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận các ý kiến tham luận và phát biểu có tính định hướng, gợi mở của đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

Bên cạnh Hội nghị kết nối cung – cầu, UBND tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm được chứng nhận các tiểu chuẩn chất lượng, ẩm thực đặc sản vùng miền,… với quy mô 200 gian hàng đến từ nhiều tỉnh, thành phố.

Với mục tiêu thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ nông sản, nhằm phát triển thị trường tiêu thụ, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tổ chức 02 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 09/11 – 13/11/2023 tại quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng

Tối ngày 6/10, tại sân vận động Quảng Oai, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, chương trình diễn ra từ ngày 6/10 đến 10/10. Sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại. Đồng thời kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP và cũng là dịp để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Sự kiện đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá hơn 100 gian hàng với trên 2000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và 16 tỉnh, thành khác trong cả nước như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Hà Giang,…

Nhận được giấy mời của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia sự kiện với 02 gian hàng, góp phần quảng bá, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng: hát dân ca quan họ Bắc Ninh, làng nghề nặn tò he, trải nghiệm làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu… Trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: Thưởng ngoạn trà, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, bánh tẻ Phú Nhi Sơn Tây, cá kho xứ Đoài, Thắng cố Tây Bắc… cùng các đặc sản biểu trưng cho vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng miền trong cả nước.

Nghĩa Lộ khai mạc Hội chợ Thương mại và trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái năm 2023

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023, đồng thời nhằm xúc tiến các hoạt động giao lưu thương mại dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tối ngày 28/9/2023, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Thương mại và trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái năm 2023.

Lãnh đạo Sở Công Thương và lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ thăm các gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP

Hội chợ được tổ chức từ ngày 28/9 đến hết ngày 04/10/2023, với quy mô 1 khu trưng bày 300m2 giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của thị xã Nghĩa Lộ; 30 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của các huyện thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái như: Gạo, Thịt lợn sấy, Thịt trâu sấy, Trà Shan tuyết, Sơn Tra, Khoai sọ, Măng ớt, Tinh dầu quế, đá quý… và 180 gian hàng thương mại đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước với các sản phẩm về điện tử, may mặc, đồ dùng gia đình, đồ trang sức, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ…

Hội chợ là cơ hội lớn cho hoạt động tôn vinh các sản phẩm OCOP, khẳng định thương hiệu chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng chất lượng cao cũng như giới thiệu những tiềm năng thế mạnh để phát triển dịch vụ du lịch của thị xã đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thúc đẩy giao lưu kinh doanh mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân./.

Nguồn: CTTĐTT

Sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc

Tối 21/9, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tham gia sự kiện có gần 600 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, trên 2000 sản phẩm tiềm năng tham Chương trình OCOP gồm hàng nghìn dòng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền. Các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng cho các vùng miền của các tỉnh miền núi phía Bắc; trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền, đồng thời quý khách sẽ được thưởng lãm tác phẩm biểu trưng của sự kiện kết tinh từ các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các vùng miền được các nghệ nhân lành nghề của Hà Nội thực hiện.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết: Đây là sự kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp, chủ thể quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận được giấy mời của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia sự kiện với 01 gian hàng, đây là cơ hội để quảng bá, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID19, sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc được đánh giá là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng đến thăm quan, kết nối giao thương và thỏa sức mua sắm các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp Việt Nam. Sự kiện sẽ diễn ra đến hết ngày 27/7/2023.

AgroViet 2023 hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 – AgroViet 2023 đã diễn ra tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại.

Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế – AgroViet là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành NN-PTNT Việt Nam, được tổ chức thường niên vào dịp tháng 9. Năm 2023, hội chợ được tổ chức với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững”, được tổ chức từ ngày 14 đến 17-9, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP”, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước, đây đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.

AgroViet 2023 có quy mô hơn 200 gian hàng và hơn 1.000m2 sàn trưng bày sản phẩm của trên 100 đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, khu Quốc tế có 20 gian hàng tiêu chuẩn của doanh nghiệp các nước Úc, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khu vực ASEAN, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, công ty liên doanh,… trưng bày các loại máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ phụ trợ, dịch vụ logistic, thương mại điện tử, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Khu gian hàng trong nước đến từ 45 địa phương, trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến có giá trị cao và là đặc sản tiêu biểu của các địa phương.

Với mục tiêu tăng cường, đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, HTX, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia với 01 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh.

(Đồng chí Hoàng Văn Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái tại gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh)

Ngoài các gian hàng trưng bày sản phẩm, Ban tổ chức Hội chợ đã có nhiều hoạt động Hội nghị, hội thảo chuyên đề và giao thương ý nghĩa như: Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn” vào chiều 14/9/2023; Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài và Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023” vào sáng 15/9/2023; Hội thảo kết nối cung – cầu các sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre tại thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hội chợ như một thị trường thu nhỏ, thông qua tiếp xúc trực tiếp tại Hội chợ sẽ giúp các đơn vị nắm bắt thị hiếu của thị trường để khuyến khích sáng tạo đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm giúp đơn vị có cơ hội tiếp cận những thị trường lớn hơn. Và Hội chợ không chỉ là nơi quảng bá sản phẩm mà còn là không gian để giao lưu văn hóa, ẩm thực và quảng bá du lịch qua từng câu chuyện sản phẩm”.

Ban tổ chức tin tưởng chương trình của Hội chợ sẽ làm thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp và bà con nhân dân tham gia và tham quan, giao dịch tại Hội chợ. 

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông từ ngày 29/8/2023 – 4/9/2023

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông 2023 là hoạt động xúc tiến thương mại thường niên thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh, được tổ chức trong thời gian 07 ngày từ ngày 29/8/2023 – 04/9/2023 tại Trung tâm truyền thông và văn hóa thành phố Móng Cái.

Hội chợ là một trong nhiều sự kiện chào mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9 gắn với chuỗi kỷ niệm chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2023).

Với quy mô trên 200 gian hàng, Hội chợ là cơ hội để các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền, địa phương.

Với tinh thần mở rộng giao lưu hội nhập kinh tế lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia với 02 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đây là điểm hẹn lý tưởng để các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP kết nối sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của du khách và nhân dân khi đến Quảng Ninh. Hội chợ sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 4/9/2023.

“Tinh hoa giữa ngàn mây” – Lễ hội Trà Shan tuyết huyện Văn Chấn lần thứ nhất năm 2023

Lễ hội Trà Shan tuyết, huyện Văn Chấn lần thứ nhất năm 2023 “Tinh hoa giữa ngàn mây” được tổ chức từ 22/9/2023 đến hết ngày 28/9/2023. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái năm 2023.

Với chủ đề: “Tinh hoa giữa ngàn mây”, Lễ hội Trà Shan Tuyết, huyện Văn Chấn lần thứ nhất năm 2023 sẽ gồm nhiều hoạt động hấp dẫn:
– Khai mạc Lễ hội Trà Shan Tuyết tại Sân vận động huyện Văn Chấn vào 20h ngày 22/9/2023; tổ chức trưng bày, triển lãm tranh, ảnh về đất và người Văn Chấn, ảnh đẹp của vùng miền Tây tỉnh Yên Bái từ ngày 22/9-26/9/2023 trước cổng Sân vận động huyện và dọc tuyến đường hàng cây cạnh sân vận động huyện.
– Trên 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trà Shan Tuyết; các sản phẩm OCOP; các sản phẩm chủ lực của các địa phương; các sản phẩm thương mại và trình diễn các nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian từ ngày 22/9-28/9/2023 tại Sân vận động huyện Văn Chấn. 
– Tại xã Suối Giàng, trong thời gian từ ngày 23/9 đến ngày 25/9/2023 sẽ diễn ra Lễ hội tôn vinh cây Chè tổ với các hoạt động: rước lễ từ trụ sở UBND xã Suối Giàng đến địa điểm cây Chè tổ, tổ chức Lễ cúng, trải nghiệm quy trình hái chè, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Giã bánh dày, múa khèn, thổi sáo Mông, đẩy gậy, kéo co…
– Từ ngày 22/9 – 25/9, tại Không gian Văn hoá Trà Suối Giàng diễn ra Đêm Tiệc trà nhằm biểu diễn cách pha trà đạo, thưởng trà và chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc Mông…; đấu giá sản phẩm Trà. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng; các hoạt động đón khách tại các điểm du lịch trên địa bàn xã; trình diễn trang phục, văn hoá dân tộc Mông; giao lưu thưởng trà; check in và trải nghiệm, tham quan vườn trà cổ thụ, động Thiên Cung, Cốc Tình, rừng trúc …
– Ngoài ra, tại các xã Sơn Thịnh, Đồng Khê (huyện Văn Chấn) sẽ diễn ra Không gian văn hoá Dân tộc Thái và Trưng bày, trao đổi, mua, bán các bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của xã Suối Bu, xã Đồng Khê và các xã lân cận; gắn tem chợ 5 nghìn để quản lý chất lượng sản phẩm phục vụ du khách…

Nguồn: Thanh Thủy

Hội chợ triển lãm Thương mại sản phẩm OCOP và Làng nghề – Bình Định năm 2023

Chiều tối ngày 21/6, tại thành phố Quy Nhơn, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm OCOP và làng nghề Bình Định năm 2023.

Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm OCOP và làng nghề Bình Định năm 2023 thu hút sự tham gia của 133 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh với 274 gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghiệp, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, máy móc thiết bị, siêu thị tổng hợp và ẩm thực chế biến.
Nhận được Giấy mời số 819/SCT-KCXTTM ngày 05/05/2023 của Sở Công thương tỉnh Bình Định về việc mời tham gia Hội chợ triển lãm Thương mại sản phẩm OCOP và Làng nghề – Bình Định năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia với 02 gian hàng nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của Yên Bái.
Hội chợ là hoạt động hưởng ứng phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023 trên địa tỉnh. Đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng tốt, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là các sản phẩm đạt danh hiệu OCOP từ 3 sao trở lên và các sản phẩm chủ lực đặc trưng và tiềm năng của các tỉnh.
Hội chợ cũng là dịp để các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết đầu tư, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hội chợ diễn ra từ ngày 21/6 – 27/6/2023 tại Khu đất K200, đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.