Tag Archives: Xúc tiến thương mại

Định hướng chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường

Chiều 11/4, Bộ NN-PTNT tổ chức Phiên họp lần thứ 1 của Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường.

Phiên họp có sự tham dự của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và đại diện các Hiệp hội, ngành hàng.

Chỉ đạo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp đến từ 3 chữ “biến” là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới

“Chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, tối ưu hóa thị trường là vấn đề lớn trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe hơn. Trong khi đó, vấn đề này có liên quan đến chất lượng ATTP. Thị trường không chỉ là nơi trao đổi giữa người bán và người mua mà còn là văn hóa tiêu dùng, tâm lý của người tiêu dùng ở những bối cảnh khác nhau, được phân ra nhiều nhánh và ngách… Như vậy, nếu không hiểu được những ‘ngách’ này thì khó có thể chiếm được những thị trường cá biệt, cá tính”, Bộ trưởng đưa ý kiến.

“Đã đến lúc chuẩn bị phân loại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường ngách, thị trường cơ hội….”

Tại buổi họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin về thực trạng và chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường.

Ông Tiệp cho biết, có sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực ATTP nông lâm thủy sản so với những năm trước, đặc biệt là từ năm 2016, khi Quốc hội thực hiện các biện pháp chiến lược và tăng cường giám sát chuyên sâu về ATTP.

Như ở biểu đồ trên, các chỉ số thống kê cho thấy mức độ đảm bảo ATTP đã được nâng cao đáng kể. Ví dụ, vào quý I/2024, tỷ lệ các cơ sở đủ điều kiện về ATTP nông lâm thủy sản đạt 99,4%, tỷ lệ cơ sở ký cam kết đạt 92%, và tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đạt 99,6%.

Hơn 2.500 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được duy trì. Bên cạnh đó, công tác mở cửa thị trường tiếp tục được chú trọng và đến nay sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc mở rộng thị trường do nguồn cung và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, vẫn còn cảnh báo và hàng bị trả về; sản phẩm chưa đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường; quy cách bao gói chưa phù hợp; giá thành sản phẩm còn cao; tỷ trọng sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu được nhận diện trên thị trường còn thấp; chi phí logistics còn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành.

Để giải quyết những vấn đề trên, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề xuất một loạt các biện pháp cụ thể. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế và chính sách pháp luật như Đề án về logistics hay Nghị định về thương hiệu nông sản; khẩn trương có giải pháp khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được chứng nhận, bảo hộ.

Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch và tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tổ chức phối hợp, cung cấp thông tin, tập huấn cho nông dân, cơ sở sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường và duy trì các bản tin thị trường; tọa đàm, diễn đàn, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản.

Ông Tiệp cũng đề xuất xây dựng và áp dụng các mô hình điểm để đánh giá, chuyển giao gồm mô hình Ban/Tổ giám sát ATTP ở cấp xã và mô hình chuỗi giá trị ngành hàng gắn vùng nguyên liệu, hợp tác xã với hệ thống logistics.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường suy nghĩ đến cơ chế điều phối hoạt động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ATTP của Bộ, các Hiệp hội và các đơn vị như Bộ Y tế, Bộ Công thương… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn các Hiệp hội và ngành hàng xây dựng kế hoạch vận động thành viên tham gia vùng nguyên liệu. Tránh tình trạng “tranh mua, tranh bán” tại vùng nguyên liệu, cần phải lập kế hoạch kêu gọi mỗi doanh nghiệp thành viên đăng ký vùng nguyên liệu để tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi của thành viên trong hiệp hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiệp hội, ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Dù là vấn đề ATTP hay phát triển thị trường đều cần đến sự chung tay của hiệp hội, ngành hàng.

“Chúng tôi không coi hiệp hội ngành hàng hoặc các doanh nghiệp như là đối tượng mà Bộ NN-PTNT phải quản lý. Thay vào đó, chúng tôi nhìn nhận họ như là đối tác, cùng tham gia vào quá trình kiến tạo và phát triển ngành hàng cho đất nước. Giá trị và sứ mạng tuyệt vời của hiệp hội được thể hiện qua vai trò này”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tọa đàm Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản Khu vực Trung Đông – Châu Phi

Ngày 24/11/2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Vụ châu Á châu Phi của Bộ Công thương tổ chức buổi Tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Trung Đông – Châu Phi” tại Nhà khách Văn phòng Trung ương, số 08 Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội.

Buổi Tọa đàm gồm các nội dung như: Cập nhật thông tin về các quy định thị trường xuất nhập khẩu nông sản của Trung Đông, Châu Phi và xu hướng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng nông sản của hai thị trường này. Ngoài ra tại buổi Tọa đàm, các cơ quan quản lý nhà nước, các tham tán thương mại doanh nghiệp nhập khẩu và các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX đã trao đổi, cung cấp thông tin hỗ trợ kết nối, xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường.

(Nhận được giấy mời số 21/GM-CCPT-PTTT ngày 10/11/2023 của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã cử đoàn cán bộ tham gia tọa đàm).

Tuần lễ Giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản tỉnh Yên Bái tại Hà Nội từ ngày 29/11 – 03/12/2023

Từ ngày 29/11- 03/12/2023, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Tuần lễ Giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội với quy mô 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, thủy sản đặc sản của tỉnh Yên Bái.

Nguồn: CTTĐTT

Kết nối cung – cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tại tỉnh Thanh Hóa năm 2023

Sáng 9/11, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2023

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, HTX, trang trại trong và ngoài tỉnh.

Công tác kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục là cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn hội nghị sẽ đánh giá đầy đủ về công tác phát triển thị trường, sản xuất, chế biến và kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn trong thời gian qua. Đồng thời, có các kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp để tăng cường gắn kết công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; gia tăng chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm thủy sản trong tình hình mới. Mục tiêu là sản xuất sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của thị trường; thực hiện tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tham luận tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã chia sẻ kinh nghiệm trong đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mở rộng thị trường các sản phẩm hàng hóa an toàn, đạt chất lượng và tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận các ý kiến tham luận và phát biểu có tính định hướng, gợi mở của đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

Bên cạnh Hội nghị kết nối cung – cầu, UBND tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm được chứng nhận các tiểu chuẩn chất lượng, ẩm thực đặc sản vùng miền,… với quy mô 200 gian hàng đến từ nhiều tỉnh, thành phố.

Với mục tiêu thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ nông sản, nhằm phát triển thị trường tiêu thụ, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tổ chức 02 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 09/11 – 13/11/2023 tại quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Hội nghị Kết nối giao thương các tỉnh khu vực Đông Bắc

Nhận được giấy mời của UBND tỉnh Hà Giang, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã cử đoàn cán bộ tham gia Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc gắn với Hội thảo chè Shan Tuyết tổ chức tại Hà Giang vào ngày 27.10.2023.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện lễ hội hoa tam giác mạch năm 2023, do tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Công thương tổ chức. Tham gia Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện cho 9 tỉnh vùng Đông Bắc, Hà Nội, Vĩnh Long cùng hơn 80 doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hội nghị lần này cũng thu hút hàng chục doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham dự, là cơ hội giúp người trồng chè gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần quảng bá thương hiệu chè Shan Tuyết Hà Giang đồng thời là dịp để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành logictic vùng.

Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương.

Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực Đông Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và thảo luận đi đến ký kết các hợp đồng cung cấp, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hội nghị cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu./.

Yên Bái tổ chức Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Ngày 27/10, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hội nghị là một trong những hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt, trao đổi thông tin đào tạo, kết nối hợp tác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, tại hội nghị có trên 100 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự, đặc biệt là sự góp mặt của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Việt Nam, Quỹ Phát triển Hạnh phúc khu vực (Hàn Quốc), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng (Kocham Hải Phòng) và trên 50 công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay, Việt Nam – Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột, vừa là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ ba về hợp tác thương mại. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Với mong muốn cùng hợp tác và phát triển, Yên Bái luôn quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư với các đối tác Hàn Quốc.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá Yên Bái có vị trí địa lý thuận lợi, là trung điểm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh, Trung Quốc – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thương với các trung tâm kinh tế, các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế quan trọng như Hà Nội, cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài, cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc.

Yên Bái có tài nguyên thiên nhiên phong phú, gồm: khoáng sản, rừng, du lịch, hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, chính quyền năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi, dễ dàng trong tiếp cận đất đai, công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn, chi phí đầu tư thấp…

Báo cáo tại hội nghị, tỉnh Yên Bái cho biết, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023, lập trên phạm vi toàn tỉnh, tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bản quy hoạch này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm nhìn, chiến lược dài hạn trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển, là căn cứ để các ngành, các địa phương triển khai thực hiện; là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến bỏ vốn đầu tư, kinh doanh.

Bên lề Hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí một khu trưng bày để giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, không gian văn hóa của tỉnh.

Tổ chức đoàn công tác tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang

Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023, ngày 23/10/2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái tổ chức đoàn cán bộ nhà nước và các doanh nghiệp, HTX đi tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm về quản lý và sản xuất sản phẩm nông lâm thuỷ sản tại tỉnh Bắc Giang.

Đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan quản lý, đơn vị thu mua, chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản tại tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp quản lý, tổ chức thực hiện, sáng kiến đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp.

Kết quả, chuyến làm việc của Đoàn công tác tại tỉnh Bắc Giang đã thành công tốt đẹp. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bắc Giang đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Tọa đàm Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản trong nước

Sáng 19/10, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản trong nước”. Tham dự cùng có các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cùng nhiều doanh nghiệp và các sở ban ngành địa phương tham gia trực tuyến.

Khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết, vấn đề kết nối thông tin, phổ biến quy định của thị trường nông sản không chỉ là nhiệm vụ nhằm đảm bảo dân sinh mà còn góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường được cho là yêu cầu tất yếu để cung đáp ứng cầu, tránh lãng phí… Tuy nhiên, cần làm thế nào cho hiệu quả, để nhà sản xuất nắm rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, từ đó đưa ra các sản phẩm đáp ứng phía người tiêu dùng, thị trường trong nước và nước ngoài. 
Việc kết nối thị trường không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với thị trường trong nước. Các kênh bán lẻ trong và ngoài nước cũng là cầu nối hiệu quả giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ hiện nay cũng xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn của riêng mình về sản phẩm như sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất xanh, sạch, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi người lao động…, đây có thể được coi như “bản sắc” của mỗi nhà bán lẻ và các nhà sản xuất muốn tiếp cận kênh này cũng cần quan tâm, nắm bắt thông tin bên cạnh đảm bảo tuân thủ yêu cầu về chất lượng sản phẩm. 
Chia sẻ góc nhìn của nhà bán lẻ, bà Nguyễn Hương, Giám đốc Kiến tạo giá trị chung, Công ty WinCommerce – chuỗi bán lẻ Winmart cho biết, các chuỗi bán lẻ hiện đại đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển thương hiệu, hàng hóa sản phẩm nông sản vùng, miền Việt Nam tại thị trường nội địa cũng như là điểm tựa để nông sản Việt cất cánh ra thị trường quốc tế. 



Ông Tiệp đánh giá, trong chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng, các tập đoàn bán lẻ cũng là một trong những động lực dẫn dắt tiêu thụ. Bên cạnh cơ quan quản lý Nhà nước, chuỗi bán lẻ cũng đóng vai trò tham gia giám sát các chất lượng nông sản được cung ứng từ các địa phương. 
Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng phía địa phương và các chuỗi bán lẻ cần kết hợp chặt chẽ hơn để đơn giản hóa quy trình vào hàng bên cạnh việc kiểm định chất lượng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nông dân đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.  
Đại diện Xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch phụ trách cho biết, xu hướng tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong đại bộ phận khách hàng, ngoài quan tâm tới chất lượng, giá cả, người dùng đã tìm hiểu khá kĩ tới nguồn gốc sản phẩm, tính minh bạch của nhà sản xuất. 
Để tập trung chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao trong dịp mua sắm cuối năm cũng như dịp Tết nguyên đán sắp tới, Central Retail đã làm việc với các nhà cung cấp trên cả nước để đặt hàng và đảm bảo đủ số lượng cần thiết để dự trữ.
Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho biết, tiêu dùng trong nước là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng quốc gia, nên việc kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm là nhiệm vụ không chỉ bảo đảm dân sinh mà còn tác động đến phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nói chung. Do đó, các địa phương cần sản xuất theo tín hiệu thị trường để không xảy ra tình trạng cung vượt cầu, nắm bắt quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
MH (mard.gov.vn)

Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng

Tối ngày 6/10, tại sân vận động Quảng Oai, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, chương trình diễn ra từ ngày 6/10 đến 10/10. Sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại. Đồng thời kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP và cũng là dịp để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Sự kiện đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá hơn 100 gian hàng với trên 2000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và 16 tỉnh, thành khác trong cả nước như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Hà Giang,…

Nhận được giấy mời của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã tham gia sự kiện với 02 gian hàng, góp phần quảng bá, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng: hát dân ca quan họ Bắc Ninh, làng nghề nặn tò he, trải nghiệm làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu… Trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: Thưởng ngoạn trà, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, bánh tẻ Phú Nhi Sơn Tây, cá kho xứ Đoài, Thắng cố Tây Bắc… cùng các đặc sản biểu trưng cho vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng miền trong cả nước.

Nghĩa Lộ khai mạc Hội chợ Thương mại và trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái năm 2023

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023, đồng thời nhằm xúc tiến các hoạt động giao lưu thương mại dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tối ngày 28/9/2023, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Thương mại và trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái năm 2023.

Lãnh đạo Sở Công Thương và lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ thăm các gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP

Hội chợ được tổ chức từ ngày 28/9 đến hết ngày 04/10/2023, với quy mô 1 khu trưng bày 300m2 giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của thị xã Nghĩa Lộ; 30 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của các huyện thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái như: Gạo, Thịt lợn sấy, Thịt trâu sấy, Trà Shan tuyết, Sơn Tra, Khoai sọ, Măng ớt, Tinh dầu quế, đá quý… và 180 gian hàng thương mại đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước với các sản phẩm về điện tử, may mặc, đồ dùng gia đình, đồ trang sức, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ…

Hội chợ là cơ hội lớn cho hoạt động tôn vinh các sản phẩm OCOP, khẳng định thương hiệu chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng chất lượng cao cũng như giới thiệu những tiềm năng thế mạnh để phát triển dịch vụ du lịch của thị xã đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thúc đẩy giao lưu kinh doanh mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân./.

Nguồn: CTTĐTT